Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024

Phân khúc CUV cỡ C – Nhật, Hàn lấn lướt Mỹ

Đầu những năm 2000, Ford Escape, Chevrolet Captiva khai phá phân khúc CUV cỡ C nhưng đến nay, chỉ còn các mẫu xe Nhật, Hàn cạnh tranh chính.

So với xe đô thị cỡ A hay sedan, nhóm xe gầm cao cỡ C, CUV cỡ C, xuất hiện muộn hơn tại Việt Nam. Từ thời điểm Escape xuất hiện cho đến nay, xu hướng lựa chọn những chiếc crossover có nhiều đổi khác. Người dùng từ chỗ thích những chiếc xe thiết kế đơn giản, nam tính, động cơ mạnh đến chuộng phong cách thanh lịch, động cơ vừa đủ để đi phố, nhiều tiện nghi.

Năm ra mắt đầu tiên của các mẫu CUV chính hãng tại Việt Nam. Đồ họa: Tạ Lư

Năm ra mắt đầu tiên của các mẫu CUV chính hãng tại Việt Nam. Đồ họa: Tạ Lư

Ford Escape là mẫu xe xuất hiện sớm nhất ở phân khúc này khi ra mắt vào 2001. Dù đã ngưng phân phối, Escape gắn với một quá khứ huy hoàng thời mới bán ở Việt Nam khi thị trường chưa có nhiều lựa chọn xe gầm cao.

Một mẫu Escape 2011 tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Điệp

Một mẫu Escape 2011 tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Điệp

Ngoại hình rắn rỏi, nam tính đậm chất Mỹ, động cơ mạnh, Escape từng là lựa chọn hàng đầu của dân công trình hay những chủ xe thích phượt. Nhưng với nhược điểm tốn nhiên liệu, hay hỏng vặt, Ford Escape bắt đầu giảm dần sức hút. Doanh số xe tụt dốc không phanh từ sau 2004, năm đạt mức đỉnh tiêu thụ gần 1.500 xe. Đến 2014, Escape biến mất khỏi thị trường.

Nếu Escape đặt viên gạch đầu tiên ở phân khúc này, Captiva với kiểu dáng uyển chuyển hơn, trang bị “đô thị” hơn mới là cái tên định hình rõ phong cách xe crossover gầm cao cỡ C tồn tại đến nay. Captiva bán lần đầu năm 2007, từng tạo ra một giai thoại bán hàng hiếm thấy thời bấy giờ khi khách phải chạy theo đại lý để được mua xe.

Nhưng cơn sốt ấy cũng chóng tàn, mẫu xe của Chevrolet dần hạ nhiệt sau năm đầu ra mắt thị trường. Tuy không tốn xăng nhiều như Escape, Captiva cũng không phải là mẫu xe tiết kiệm nhiên liệu, xe 7 chỗ nhưng chỉ có một giàn lạnh. Những nhược điểm này cùng hỏng hóc lặt vặt thường xuyên xảy ra, Captiva mất dần chỗ đứng khi làn sóng xe Nhật, Hàn bắt đầu đổ bộ vào Việt Nam từ 2008.

Captiva đời 2013 tại triển lãm ôtô cùng năm diễn ra tại TP HCM. Ảnh: Hải My

Captiva đời 2013 tại triển lãm ôtô cùng năm diễn ra tại TP HCM. Ảnh: Hải My

Trong ba năm 2008-2010, lần lượt Honda CR-V, Subaru Forester, Hyundai Tucson, Kia Sportage xuất hiện ở Việt Nam và bắt đầu làm chủ cuộc chơi. Đây được xem là giai đoạn nở rộ nhất của phân khúc CUV cỡ C tại Việt Nam. Trong năm 2009, nhà phân phối của Volkwagen cũng lần đầu đưa về bán chiếc Tiguan 5 chỗ.

Với CR-V, Honda chủ đích định vị sản phẩm này ở tầm cao cấp, nhiều công nghệ, mức giá vượt trội hơn các đối thủ đã hiện diện trước đó như Escape, Captiva. Doanh số CR-V lắp ráp khi đó không lớn nhưng tăng dần qua các năm. Trong khi đó, hai mẫu xe Hàn chung khung gầm là Tucson và Sportage mở bán giai đoạn đầu bằng hình thức nhập khẩu, thăm do thị trường.

Hyundai Tucson 2022 thế hệ mới nhất. Ảnh: TC Motor

Hyundai Tucson 2022 thế hệ mới nhất. Ảnh: TC Motor

Trong số những cái tên kể trên, Tiguan và Forester với nguồn gốc lần lượt nhập Đức và Nhật, tạo ra khác biệt nhờ sở hữu cảm giác lái ấn tượng nhất. Tuy nhiên, thiết kế không hợp gu số đông khách Việt, trở ngại giá cao, hai mẫu xe này không tạo ra được sức ảnh hưởng lớn trong phân khúc, xét về khía cạnh doanh số.

Về sau này, khi Volkswagen có nhà phân phối mới từ 2017, Forester chuyển sang nhập Thái Lan từ 2018, doanh số cả hai được cải thiện nhưng cũng không phải là đối trọng của các đối thủ đồng hạng. Tiguan và Forester chủ yếu thu hút nhóm nhỏ khách hàng ưa trải nghiệm lái và dành sự mến mộ đặc biệt cho thương hiệu.

Năm 2012, phân khúc CUV cỡ C đón chào sự xuất hiện hai cái tên mới: Mazda CX-5 và Nissan X-Trail. Nhà phân phối Trường Hải ban đầu nhập khẩu CX-5 với ý đồ thăm dò thị trường. Đến 2015, khi xu hướng xe đa dụng cỡ vừa và nhỏ trở nên thịnh hành tại Việt Nam lẫn toàn cầu, hãng chuyển sang lắp ráp CX-5 và thiết lập một mức giá cạnh tranh. CX-5 từ đó trở thành một thế lực trong phân khúc bởi doanh số thường xuyên dẫn đầu.

Với X-Trail, chiếc CUV được đánh giá lái hay nhưng thiết kế kén khách, doanh số thường ở nhóm cuối của phân khúc. Đến 2020, cùng với hoạt chuyển giao nhà phân phối mới, X-Trail không còn bán ra bản mới ở Việt Nam.

CX-5 2021 tại khuôn viên nhà máy Thaco tại Quảng Nam. Ảnh: Thaco

CX-5 2021 tại khuôn viên nhà máy Thaco tại Quảng Nam. Ảnh: Thaco

Trái với sự thăng tiến vượt bậc của CX-5 nhờ ngoại hình hiện đại, mức giá hợp lý, Thaco ngừng bán Kia Sportage vì doanh số thấp vào 2016. Trước đó một năm, hãng này đưa về phân phối Peugeot 3008 với phong cách thiết kế châu Âu.

3008 kích cỡ nhỏ hơn CX-5, CR-V nhưng Thaco định giá ở mức ngang bằng. Thaco sau này có thêm chiếc 5008 (phiên bản 7 chỗ của 3008) để có thể chở thêm người.

Năm 2016, phân khúc CUV hạng C đón nhận các tân binh như Ssangyong Korando, Mitsubishi Outlander lần đầu bán ra tại Việt Nam. Tất cả đều không tạo được dấu ấn đủ lớn vì nhiều nguyên nhân. Với Korando là thương hiệu yếu (ngưng bán từ 2018), Outlander thiếu nét cá tính nổi trội. MG HS là sản phẩm mới nhất gia nhập thị trường, năm 2020. Nhưng thương hiệu yếu, HS chưa đủ lực đua doanh số với những mẫu xe Nhật, Hàn.

Hiện tại, phân khúc crossover đô thị hạng C có Mazda CX-5, Mitsubishi Outlander, Honda CR-V, Subaru Forester, Hyundai Tucson, Volkswagen Tiguan, Peugeot 3008, 5008, MG HS tham chiến. Tuy nhiên, cuộc đua doanh số chủ yếu diễn ra giữa ba cái tên CX-5, Tucson và CR-V.

Những cái tên Mỹ như Ford Escape, Chevrolet Captiva đã vắng bóng từ lâu. Hồi 2020, liên doanh Ford Việt Nam hé lộ kế hoạch bán Escape trở lại từ 2021 nhưng đến nay chưa thực hiện được. Riêng Sportage, Thaco dự kiến tái mở bán vào 2022.

Theo dõi Fanpage Xe Vui Việt Nam.

Video hay: Cập nhật video review xe hay nhất.

Youtube Channel: Subscribe!

Tham khảo: VnExpress

BẠN CŨNG SẼ MUỐN ĐỌC

BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

CHIA SẺ BÀI VIẾT

FOLLOW FB FANPAGE

SUBSCRIBE YOUTUBE

Stay connected

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

Đăng ký để cập nhật những xu hướng sớm nhất, review xe mới chân thực nhất cùng Xe Vui VN!

BÀI VIẾT ĐANG HOT