Ranger được xem là mẫu thành công nhất trong phân khúc bán tải tại Việt Nam, khi từ 2015 trở về đây luôn là mẫu bán tải bán nhiều nhất thị trường.
Khai sinh ra phân khúc bán tải ở Việt Nam là một cái tên mà hiện nay không nhiều người biết, Mekong Premio II vào năm 1997. Mẫu xe này bán lác đác mỗi tháng vài chục xe. Tới 2017, cả năm chỉ có 42 chiếc tới tay khách hàng. Từ 2018, mẫu xe này không còn được ghi nhận doanh số tại VAMA.
Dù 2001 mới xuất hiện, nhưng Ford Ranger lại là mẫu xe tạo ra triển vọng doanh số tốt cho hãng xe Mỹ. Năm 2005, Isuzu tham gia cuộc chơi với mẫu D-Max, tuy nhiên mẫu xe này không dành được quá nhiều ưu thế trước Ranger. Đến năm 2009, phân khúc trở nên sôi động hơn với sự góp mặt của Mitsubishi Triton và Toyota Hilux. Cả hai mẫu xe Nhật Bản đều có vẻ ngoài trau chuốt nhưng nội thất lại có nét hơi cổ điển.
Giai đoạn này, Triton nổi nên như một ngôi sao trong phân khúc khi có công năng tối ưu hơn trong việc tải nặng, máy khỏe và bền bỉ. Đây cũng là giai đoạn, nhiều người sử dụng bán tải cho đúng mục đích chuyên chở hàng hóa, thay vì là một chiếc xe chỉ để đi gia đình hay cafe như hiện nay.
Đến năm 2010, Nissan đưa về Navara. Giống như những đồng hương đến từ Nhật, Navara có kiểu dáng thô nhưng cứng cáp, thân rộng, chở được nhiều hàng và khá bền bỉ.
Năm 2012, Mazda BT-50 cũng tham gia cuộc chơi, sử dụng chung khung gầm, máy móc của Ranger. Điểm khác biệt của BT-50 so với các đối thủ là kiểu dáng mềm mại bên ngoài và đô thị hơn.
Năm 2013, cái tên cuối cùng xuất hiện trong phân khúc là Chevrolet Colorado, nhưng bị khai tử vào 2019, với thời gian có mặt rất ngắn chỉ khoảng 6 năm. Cũng giống như nhiều mẫu xe khác của Chevrolet, Colorado dừng bán do chính sách của hãng mẹ rút thương hiệu ra khỏi thị trường Đông Nam Á.
Ranger vẫn là cái tên nổi trội hơn trong phân khúc. Có lúc người bám đuổi sát phía sau là Hilux, lúc là Triton, có khi lại là Colorado, nhưng chưa mẫu nào đủ sức đe dọa thị phần của mẫu xe Mỹ.
Sau khoảng 20 năm hình thành, bán tải cũng là phân khúc có ít mẫu xe nhất trên thị trường,chỉ 6 xe, với 5 mẫu bán tải đến từ Nhật Bản và tất cả đều không đấu lại Ranger từ Mỹ
Trước 2018 cũng là giai đoạn các mẫu xe bán tải được ưu đãi thuế nhập khẩu là 5%, so với 30% của các mẫu xe con. Bên cạnh đó, lệ phí trước bạ chỉ 2%, trong khi các mẫu xe con là 10-12%.
Khoảng thời gian 2015-2019 cũng là giai đoạn hoàng kim của xe bán tải, cũng là giai đoạn Ranger thống trị phân khúc. Được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, giá bán các mẫu bán tải lấy lòng được nhiều tiêu dùng và liên tiếp được cập nhật mẫu mã và trang bị mới. Ở khoảng thời gian này, những mẫu xe bán tải với kiểu dáng lạ lẫm được bắt gặp với tần suất nhiều hơn ở các thành phố lớn, nơi không dành cho những chiếc xe chở hàng.
Các trang bị an toàn và tiện nghi của các xe bán tải thời điểm 2016-2019 vượt trội so với tầm tiền 700-800 triệu đồng như, cảnh báo lệch làn đường, ga tự động thích ứng, cảnh báo tiền va chạm…
Cho đến này, các mẫu bán tải cũng được cập nhật liên tục về trang bị và kiểu dáng nhưng lệ phí trước bạ đã tăng lên mức 60% của xe con thay vì 2% như trước đây. Ví dụ tại Hà Nội, lệ phí trước bạ cho xe con 12%, của bán tải là 7,2%.
Cho đến hiện tại, các mẫu bán tải vẫn dành được nhiều sự quan tâm nhưng đã giảm sức nóng hơn so với trước đó. Đa số người tiêu dùng không mua bán tải để kinh doanh mà dùng cho gia đình với ưu thế về giá rẻ nhưng gầm cao và nhiều trang bị.
Nhưng hiện nay, với mức tiền khoảng 1 tỷ đồng, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn ở phân khúc gầm cao cỡ C và D, ngay cả ở tầm tiền thấp hơn 500-700 triệu người tiêu dùng cũng có nhiều sự lựa chọn gầm cao hơn so với trước đó.
Tính đến tháng 11, Ranger vẫn là mẫu xe bán chạy nhất phân khúc xe bán tải với 14.461 xe, xếp thứ hai là Hilux với 4.118 xe bán ra. Ranger vẫn là mẫu xe nằm trong top 10 xe bán chạy nhất thị trường.
Theo dõi Fanpage Xe Vui Việt Nam.
Video hay: Cập nhật video review xe hay nhất.
Youtube Channel: Subscribe!
Tham khảo: VnExpress