Rất nhiều người lầm tưởng xe điện là một loại hình phương tiện mới mẻ, tuy nhiên thực tế không phải như vậy.
Trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những vấn đề từ biến đổi khí hậu do ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính, những phương tiện vận hành sử dụng động cơ xăng, dầu đang đối mặt với nguy cơ bị thải loại. Thực tế là các nhà sản xuất ô tô, xe máy dường như cũng đã sẵn sàng để bắt đầu kỉ nguyên mới, với một loại hình phương tiện “tưởng mới mà cũ”: xe điện.
Lịch sử hơn 100 năm
Đến thời điểm này, không ít người vẫn lầm tưởng xe điện là một loại hình phương tiện hoàn toàn mới và chỉ bắt đầu manh nha trở thành xu hướng trong những thập niên gần đây. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn trái ngược khi những chiếc xe điện đầu tiên đã ra đời từ những năm cuối thế kỷ thứ 19, tính đến nay đã có hơn 100 năm lịch sử với không ít biến cố, thăng trầm.
Những viên gạch đầu tiên làm nên nền móng của xe điện được Thomas Davenport và Scotsmen Robert Davidson thực hiện vào năm 1842. Hai nhà phát minh người Mỹ là những người đầu tiên đưa pin vào sử dụng trên ô tô điện. Năm 1859, từ pin thông thường đã được sử dụng, nhà vật lý học người Pháp Gaston Planté minh ra pin sạc và các vật dụng dùng để lưu trữ điện trên xe. 7 năm sau đó, Camille Faure xây tiếp nền móng vững chắc cho xe điện khi tìm ra phương pháp nâng cao khả năng lưu trữ điện trong pin, giúp cho xe điện có thể di chuyển một quãng đường dài hơn.
Nhưng bước ngoặt của xe điện chỉ thực sự đến vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỉ 20. Đây là thời điểm chiếc xe chạy bằng điện đầu tiên trên thế giới lộ diện. Bắt nguồn từ một động cơ điện nhỏ được cải tiến bởi nhà phát minh Gustave Trouvé, hãng công nghệ Siemens phát triển cùng với pin sạc để gắn vào chiếc xe 3 bánh của James Starley, một nhà sáng chế người Anh. Không lâu sau đó, vào năm 1884, chiếc ô tô điện đầu tiên chính thức ra đời tại Wolverhampton (Anh) do nhà phát minh Thomas Parker chế tạo.
Sự xuất hiện của những chiếc xe điện hoàn chỉnh đầu tiên ở châu Âu (đặc biệt tại Pháp và Anh) đã khởi phát và thúc đẩy sự phát triển và lan rộng của các loại hình xe điện trên thế giới. Bởi chỉ 6 năm sau đó, tại Mỹ, từ nền tảng vốn có của công nghiệp xe điện, William Morrison đã cho ra đời mẫu ô tô điện 6 chỗ ngồi, có thể đạt tốc độ 23 km/h.
Tiếp đó, xe điện tiếp tục phát triển thần tốc và liên tiếp hoàn thiện, cải thiện khả năng vận hành khi lập nên những kỷ lục về tốc độ và khoảng cách di chuyển. Điển hình, năm 1899, chiếc xe điện có thiết kế hình tên lửa của Jamais Contente đã đạt tốc độ đến 105,88 km/h.
Những năm cuối thế kỉ 19, tại châu Âu, Walter Bersey lập ra đội taxi điện hoạt động trên đường phố London, Sau đó không lâu, mô hình này lan sang tận New York, đánh dấu sự lớn mạnh của loại hình xe điện. Trong thập niên đầu thế kỉ 20, xe điện trở nên thịnh hành và trở thành lựa chọn của nhiều người. Riêng tại Mỹ, năm 1912, đã có đến gần 34.000 chiếc xe điện được bán ra.
Sớm nở… tối tàn
Mặc dù xuất hiện từ rất sớm và có những bước tiến thần kì, tuy nhiên “ngày tàn” của xe điện cũng đến rất nhanh sau đó.
Sau sự kiện mang tính bước ngoặt vào năm 1908, khi hãng xe Mỹ – Ford thực hiện cuộc cách mạng giá xe khi tung ra thị trường mẫu Model T với giá bán cực “mềm”. Cũng trong gian đoạn này, nhà phát minh Charles Kettering giới thiệu bộ khởi động mới trên ô tô sử dụng động cơ đốt trong, giúp đơn giản hóa việc khởi động máy; trong khi đó, những năm đầu thập niên 20, thế giới bắt đầu tìm ra những mỏ dầu lớn dẫn đến việc hạ giá thành xăng, dầu. Ngoài ra, những tiêu chí về cơ sở hạ tầng cùng những hạn chế trong quãng đường di chuyển cũng bắt đầu lộ diện và trở thành rào cản đối.
Tất cả những yếu tố bất lợi ập đến khiến xe điện trở nên thất thế rõ rệt. Kết quả là đến khoảng năm 1935, loại hình phương tiện này đã gần như biến mất vì không thể cạnh tranh được với xe chạy động cơ đốt trong. Số ít xe điện được sản xuất sau đó chủ yếu chỉ phục vụ việc di chuyển trong sân golf hay các khu du lịch.
“Bình minh mới” của xe điện
Tưởng chừng câu chuyện về xe điện đã chính thức “đi vào dĩ vãng” từ những năm đầu thập niên 30 của thế kỉ 20. Thế nhưng, trước bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những vấn đề từ cạn kiệt năng lượng hóa thạch, biến đổi khí hậu do ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính, những phương tiện vận hành sử dụng động cơ xăng, dầu đang đối mặt với nguy cơ bị thải loại. Và sau gần nửa thế kỉ chìm vào quên lãng, xe điện lại bất ngờ “vụt sáng” trở lại và đang được xem như giải pháp tất yếu.
Bắt đầu từ những năm 1970, lần lượt những tập đoàn ô tô lớn trên thế giới đã bắt tay vào công cuộc “hồi sinh” xe điện. General Motors (GM) sản xuất ra chiếc tạo chiếc xe lai điện (hybrid) đầu tiên vào năm 1982, sử dụng kết hợp cả động cơ xăng và điện. 14 năm sau đó, thương hiệu xe Mỹ sản xuất hàng loạt xe điện EV1, có khả năng di chuyển quãng đường lên đến 129 km cho một lần sạc pin.
Tiếp theo đó, nhiều hãng xe tên tuổi như Toyota, Nissan, Honda, Mitsubishi, Citroen, Renault,…cũng bắt đầu nhập cuộc. Bước sang thế kỉ 21, Tesla “thổi bùng” cuộc cách mạng mới của xe điện bằng việc xây dựng hệ thống mạng lưới trạm sạc ở Bắc Mỹ, cho phép người dùng xe điện của hãng có thể sạc hoàn toàn miễn phí. Đồng thời, tung ra nhiều mẫu xe điện chất lượng như Model 3, với khả năng vận hành không thua kém xe sử dụng động cơ đốt trong và quãng đường di chuyển cũng rất ấn tượng.
Và khi xu thế xe điện đang ngày càng hiện rõ, hiện nay hầu hết các hãng xe trên thế giới đều đã bắt tay vào việc nghiên cứu và sản xuất những mẫu xe điện phục vụ khách hàng. Thậm chí tại Việt Nam, một hãng xe dù còn rất “non trẻ” như VinFast cũng đã sẵn sàng đón đầu xu thế.
Sau gần 4 năm xây dựng cơ sở hạ tầng và nghiên cứu, phát triển; năm 2021 hãng xe Việt đã bắt đầu tung ra thị trường mẫu xe đầu tiên – VF e34. Bên cạnh đó, VinFast cũng sẵn sàng cho bước đi táo bạo khác, khi sẵn sàng giới thiệu đến khách hàng tại Mỹ hai mẫu xe khác, gồm VF e35 và VF e36, thông qua triển lãm ô tô Los Angeles 2021.
Theo các chuyên gia, sau nhiều năm “tái khởi động”, các hãng xe đã bắt đầu nhấn ga tăng tốc. Dự báo đến khoảng năm 2040, xe điện “phủ sóng” khoảng 35% tổng lượng ô tô bán ra trên toàn cầu. Và giai đoạn này đang được xem là “bản lề” để các nhà sản xuất tìm chỗ đứng và thiết lập vị thế trong cuộc chơi mới mang tên xe điện.
Theo dõi Fanpage Xe Vui Việt Nam.
Video hay: Cập nhật video review xe hay nhất.
Youtube Channel: Subscribe!
Tham khảo: Thanhnien